Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự “Hội thảo Công Tư ASEAN-Nhật Bản lần thứ hai về các chính sách và công nghệ đổi mới nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai”

Ngày 11/10/2023 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Văn phòng Nội các Nhật Bản phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Việt Nam tổ chức Hội thảo Công Tư ASEAN-Nhật Bản lần thứ hai về các chính sách và công nghệ đổi mới nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

Đoàn công tác Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; đồng chí Đặng Văn Hòa – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Đức gửi lời cảm ơn về sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, JICA, các công ty, nhân dân và các đối tác Nhật Bản đã luôn quan tâm hỗ trợ tỉnh trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, giảm nhẹ thiên tai... Đặc biệt là dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; cám ơn Trung tâm điều phối AHA, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai đã kịp thời hỗ trợ tỉnh khắc phục sau bão lũ năm 2020 cũng như đào tạo quản lý thiên tai cho cán bộ văn phòng Phòng chống thiên tai tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Đức cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở miền Trung Việt Nam, hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai bão, lũ lụt, sạt lở đất. Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Đạt được kết quả đó là nhờ tỉnh đã lồng ghép, huy động mọi nguồn lực và mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong việc đầu tư xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm mưa lũ, từ đó hạn chế được rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngoài các trạm quan trắc của mạng Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tỉnh Thưa Thiên Huế đã phát triển nhanh hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ cảnh báo mưa lũ tại cộng đồng và vận hành hồ chứa. Hiện nay, trong toàn tỉnh có 49 trạm đo mưa tự động Vrain, 06 Tháp báo lũ thông minh, 02 Trạm giám sát ngập lụt đô thị tự động, 02 trạm đo mực nước, 05 trạm đo gió, các trạm quan trắc chuyên dùng cùng với mạng khí tượng thủy văn Quốc gia, Hệ thống Radar do JICA tài trợ đã góp phần giúp các cơ quan, tổ chức và nhân dân tăng cường năng lực theo dõi, cảnh báo, ứng phó với mưa lũ theo thời gian thực, đặc biệt là hỗ trợ cho công tác quản lý vận hành an toàn liên hồ chứa nước trên lưu vực sông Hương, giảm thiểu các thiệt hại do lũ lụt gây ra.

Điển hình như Hệ thống đo mưa tự động Vrain là sản phẩm công nghệ do Công ty WATEC, một doanh nghiệp KHCN của Việt Nam sản xuất đã cung cấp dữ liệu chính xác, liên tục và ổn định thông qua Websie, Ứng dụng trên điện thoại thông minh và kêt nối vào Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh phục vụ cộng đồng nhân dân có hành động sớm thông qua cảnh báo sớm thiên tai. 

Ngoài ra, vấn đề quản lý, giám sát và cảnh báo ngập lụt tự động theo thời gian thực tại các đô thị và các đồng bằng ngập lũ là yêu cầu cấp thiết nhằm ứng phó hiệu quả với mưa lớn, triều cường, lũ lụt, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai ngày càng xảy ra cực đoan và bất thường. Trong thời gian qua, tỉnh đã đầu tư và vận động tài trợ từ Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai, Công ty WATEC, Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội ISET phát triển Hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ngập lụt tự động với 06 tháp báo lũ thông minh, 02 trạm đo mực nước tự động và 02 trạm giám sát ngập lụt đô thị. Các thiết bị này là sự kết hợp giữa Công ty WATEC và Công ty Tokyo KeiKi Nhật Bản và qua thực tế cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu trong việc ứng dụng IoT để quản lý, giám sát và cảnh báo ngập lụt theo thời gian thực, phù hợp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0 và xây dựng đô thị thông minh.

Một nội dung trong hợp tác công tư về huy động khối tư nhân trong việc phát triển cũng như vận hành hệ thống quản lý, giám sát thiên tai đó là hằng năm Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã hợp đồng thuê dịch vụ Công ty WATEC để quản lý, duy tu bão dưỡng, vận hành các hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý thiên tai và cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban Chỉ huy đã ký Quy chế phối với các nhà máy thủy điện để quản lý, vận hành các hồ chứa nước, các nhà máy thủy điện ký Quy chế phối với các địa phương vùng hạ du để thông báo, cảnh báo, truyền tải thông tin, lệnh vận hành hồ chứa nước từ chủ đập đến cấp huyện, cấp xã và đến người dân. Trước các đợt thiên tai, Ban Chỉ huy đã phân công cho Lãnh đạo Ban Quản lý khu Kinh tế công nghiệp tỉnh làm việc với các chủ doanh nghiệp để thống nhất thời gian ca làm việc, hạn chế công nhân đến nhà máy làm việc và tan ca khi có mưa lũ lớn, bão đổ bộ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.

Việc thúc đẩy quan hệ đối tác công tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công đã góp phần tích cực và phục vụ tốt hơn công tác phòng chống thiên tai.  

Hội thảo Công Tư ASEAN-Nhật Bản lần thứ hai về các chính sách và công nghệ đổi mới nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai Nhật Bản (ACDM Plus Japan) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Nhật Bản về Quản lý thiên tai lần thứ 3 (AMMDM Plus Japan) vào ngày 11 và 12 tháng 10 năm 2023.

Trong sự kiện này, Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển và sử dụng các chính sách và công nghệ đổi mới để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Các chương trình hợp tác tiềm năng sẽ được giới thiệu bởi các tổ chức công tại Nhật Bản, cũng như các công nghệ tiên tiến về giảm thiểu rủi ro thiên tai của các tổ chức tư nhân, từ các tổ chức và công ty thành viên của JIPAD. Sự kiện này là một cơ hội quý giá để khám phá các khả năng hợp tác và các cơ hội kinh doanh có thể được tạo ra thông qua hợp tác, tận dụng thế mạnh của ASEAN và Nhật Bản từ quan điểm của các sáng kiến ​​của cả khu vực công và tư nhân. Hội thảo góp phần vào việc thực hiện Chương trình Công tác AADMER, cụ thể là Đầu ra “5.2.1.1 Trao đổi kiến ​​thức và chia sẻ thông tin về các công nghệ sáng tạo liên quan đến thiên tai và các chương trình của ASEAN với các Đối tác Đối thoại ASEAN, liên chính phủ khu vực” trong “Kết quả 5.2.1 Mở rộng và Lãnh đạo Tư tưởng Toàn cầu nhất quán và Sự tham gia của ASEAN ”của Chương trình Ưu tiên 5 Lãnh đạo Toàn cầu. Những hiểu biết và ý tưởng được cung cấp thông qua các bài trình bày sẽ đóng góp vào việc phát triển các Đầu ra khác nhau cho các Chương trình Ưu tiên trong Chương trình Công tác AADMER.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE