Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân trước siêu bão RAI

Chiều ngày 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về ứng phó với siêu bão RAI. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp.

Diễn biến của bão rất phức tạp, không được chủ quan

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, bão RAI là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm, có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp. Hơn nữa bão còn chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc nên diễn biến lại càng phức tạp, khó lường.

Hiên nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; việc dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đã được đảm bảo. Trong trường hợp bão đổ bộ, người dân sẽ được sơ tán xen ghép tại các nhà kiên cố trong dân hoặc di chuyển đến các trụ sở cơ quan, công trình công doanh trại quân đội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp, đề nghị các cấp chính quyền, người dân không được chủ quan. Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão. "Phải dự báo thật chính xác đường đi của bão để thông báo đến mọi người dân được nắm". Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển; Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú. Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

Rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Thừa Thiên Huế lên phương án di dời 8.374 hộ dân

Để chủ động ứng phó với siêu bão, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã đề nghị các địa phương, đơn vị tổ chức kêu gọi các phương tiện còn lại vào nơi tránh trú an toàn; cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 9 giờ ngày 18/12/2021 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm; các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Có phương án gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính Phủ

Yêu cầu các chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển tạm dừng thi công từ ngày 19/12/2021, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang. 

Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, phương án sơ tán, di dời ứng phó với bão mạnh, siêu bão gồm: xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; tập trung với 8.374 hộ, 30.725 khẩu. Dự kiến chiều 19/12/2021 tổ chức sơ tán di dời dân.

Hồi 01 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão RAI ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, ngay trên miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ suy yếu dần và đi vào Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

 

Theo thuathienhue.gov.vn

www.thuathienhue.gov.vn

BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE