THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Chiều nay (15/5), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.

Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Thường trực, đại diện một số ban, cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ trì bởi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các ban ngành liên quan và kết nối với đầu cầu 689 huyện.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Năm 2019, thiên tai trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USD.

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3: 8 cơn bão và 4 ATNĐ; ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long… Thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người: 133 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức BĐ3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
---------------------------------------------------

Tại đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Văn Phương – UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành liên quan.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, là tỉnh nằm ở miền Trung Việt Nam, nơi giao thoa giữa 2 miền Nam - Bắc nên hằng năm tỉnh Thừa Thiên Huế thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai; vì vậy công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được các cấp ủy Đảng, Chính quyền đặc biệt quan tâm. Hằng năm, các cấp đều xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và xây dựng các kịch bản để chủ động ứng phó. Trong các năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lồng ghép, huy động mọi nguồn lực, các dự án, đề án, chương trình, như: chương trình Nông thôn mới, chương trình di dân vùng sạt lở, lũ quét; chương trình nâng cấp đê biển, chương trình nâng cấp hồ chứa, đặc biệt là dự án Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện do JICA tài trợ để thực hiện vận hành các hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, hồ chứa nước lớn và thực hiện Quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương theo Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành và của người dân nên đã hạn chế được tối đa thiệt hại về bão lũ gây ra, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, địa phương đã thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần) và đã phát huy thêm phương châm thứ năm đó là “tự quản tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang diễn biến rất phức tạp, bờ biển của tỉnh hiện còn hơn 30 km bị sạt lở nặng, trong đó có 10km bị sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng thiết yếu, cảnh quan, môi trường. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị trong thời gian đến, Chính phủ, các bộ ngành Trương ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung đầu tư xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn tàu thuyền ra vào cửa biển. Quan tâm bố trí chương trình, nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, tương tự như Chương trình xây dựng nông thôn mới để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm tăng cường hỗ trợ công tác dự báo, đặc biệt là dự báo mưa để chủ động trong điều tiết trong phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư (ban hành tháng 3/2020) một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đầu tư nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ưu tiên nguồn lực đầu tư vốn trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công an chỉ đạo nâng cao năng lực cho lực lượng công an trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi và lập bến bãi tập kết trái phép, lấn chiếm lòng sông, bãi sông.

Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành để có quy chế vận hành liên hồ chứa một cách hợp lý, nhất là đối với các hồ thủy lợi, thủy điện lớn, vừa bảo đảm phát điện, vừa phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp cả về công trình và phi công trình, bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai. Ông cũng nhắc lại câu chuyện năm 2016, “tôi đã chỉ đạo tỉnh Kiên Giang không để nước ngọt thiếu ở Rạch Giá, các đồng chí rất quyết tâm vấn đề này nên không để thiếu nước, không để dân xếp hàng dài gánh nước ngọt”.

Thủ tướng mong muốn các cấp, các ngành và nhân dân luôn nỗ lực, chủ động tiếp tục nêu cao tinh thần chống thiên tai, “chứ không phải mình thấy thiên tai là đầu hàng, không được đầu hàng với bất cứ tình hình nào, nhất là thời tiết biến đổi này. Chúng ta phải thích nghi và phát triển”.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam cả về kinh phí và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Việt Nam.

TÌNH HÌNH THIÊN TAI NĂM 2019 TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trong năm qua có 02 đợt giông, lốc sét; 01 trận động đất nhẹ, 04 đợt mưa lớn, 19 đợt không khí lạnh tăng cường gây gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường. Các đợt thiên tai điển hình như sau:
☀️Có 12 đợt nắng nóng, những đợt nắng nóng trong tháng 6 -7 kéo dài gần cả tháng. Nắng nóng kết thúc muộn hơn TBNN, cuối tháng 9 vẫn còn nắng nóng. Đặc biệt, trong tháng 4/2019, Nam Đông có 22 ngày nắng nóng, với nhiệt độ cao nhất là 41,00C, bằng nhiệt độ lịch sử năm 1983. Vùng đồng bằng có 16 ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất là 0,60C, số liệu lịch sử của Huế năm 1983 là 41,30C.
🌪Bão, áp thấp nhiệt đới: trong năm có 08 cơn bão và 4 ATNĐ hoạt động trên biển Đông, thấp hơn 1 ít so với TBNN. Trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế do chịu ảnh hưởng của 01 ATNĐ gây ra mưa lớn trên diện rộng.
💧Mưa lũ: Năm nay là một năm ít mưa nhất trong gần 30 năm qua và tình hình mưa trong khu vực không theo quy luật, gây khó khăn trong công tác dự báo.
Tổng lượng mưa năm từ 1900-2600mm chỉ bằng từ 65 – 70 % so với TBNN, riêng tại vùng đồng bằng lượng mưa đạt 1.984mm đạt 67% so với TBNN, thấp nhất trong chuỗi số liệu đo được từ 1989 đến nay. Trong đó lượng mưa trong mùa mưa lũ (tháng 8 đến tháng 12) 1500-1800mm, đạt 66 - 67% so với TBNN, riêng tháng 12 thì lượng mưa rất thấp đạt từ 12 - 22% so với lượng mưa TBNN.
Mùa mưa lũ năm 2019 đến rất muộn và kết thúc sớm so với TBNN, cả mùa chỉ có 4 đợt mưa lớn trên diện rộng, ít hơn TBNN, đến cuối tháng 11 mưa lớn đã chấm dứt. Cùng với mưa, mùa lũ bắt đầu muộn và kết thúc sớm, đỉnh lũ chỉ xấp xỉ báo động 1.
⛈Dông, lốc, sét: xảy ra 02 trận lốc xoáy tại huyện A Lưới.

❗️❗️Thiệt hại do thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên Huế
a) Thiệt hại về người: 01 người chết do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4.
b) Thiệt hại về nhà ở:
- Lốc xoáy tại huyện A Lưới đã có 08 nhà bị tốc mái, trong đó có 06 nhà tốc mái trên 50% và 02 nhà bị tốc mái hoàn toàn (tại xã A Ngo, xã Bắc Sơn).
- Mưa lớn tại huyện Nam Đông làm 28 nhà bị ngập úng cục bộ, trong đó: Thị trấn Khe Tre: 04 nhà, xã Thượng Lộ: 08 nhà, xã Thượng Nhật 01 nhà và xã Hương Phú 15 nhà.
c) Thiệt hại về nông nghiệp:
- Trong tháng 01 mưa lớn đã xảy ra, kết hợp với triều cường dâng cao làm vỡ một số đê bao nội đồng gây ngập úng 2.250 ha lúa mới gieo sạ.
- Do tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài nên trong vụ Đông Xuân một số diện tích lúa nằm ngoài vùng không có nguồn nước tưới chủ động đã bị thiệt hại: lúa khô cháy, mất trắng 88,4 ha, cây lạc 330,5 ha; diện tích bị thiệt hại từ 30-70% lúa 1.106,65ha, cây lạc 387 ha, hoa màu các loại 75,2 ha.
- Các đợt nắng nóng đã xay ra liên tục từ đầu tháng 2 đến tháng 5; làm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt, gây thiệt hại cho khoảng 61 ha lúa bị khô cháy, mất trắng, 512 ha cây lạc; diện tích bị thiệt hại từ 30-70% lúa 1.106ha, cây lạc 387 ha, hoa màu các loại 75 ha. Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Thừa Thiên Huế ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi lợn;
- Vụ Hè Thu năm 2019, theo kế hoạch gieo cấy khoảng 25.817 ha (giảm 2.870 ha so với vụ Đông Xuân do không chủ động được nguồn nước các địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ hoang), thực tế gieo cấy 25.430ha. Do nắng nóng kéo dài đã có khoảng 2.000 ha bị hạn nặng thiếu nước, ngoài ra một phần diện tích lúa bị sâu bệnh và chuột phá hoại tăng cao. Năng suất dự kiến đạt 58tạ/ha thấp hơn vụ Hè Thu năm 2018.
- Do lượng mưa ít, nên nguồn nước từ các khe suối giảm đã ảnh hưởng đến các Nhà máy cấp nước sinh hoạt tự chảy cho 9.000hộ/30.000 khẩu sử dụng nước từ các nhà máy cấp nước thuộc các huyện: Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới và thị xã Hương Trà.
d) Tình hình sạt lở bờ biển:
- Do chịu ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng của bão số 7 gây biển động mạnh, sóng to kết hợp với triều cường kết hợp sóng cao từ 3 - 4 m đã làm bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nặng hơn 10 km, trong đó sạt lở mạnh nhất tập trung ở đoạn qua thôn Thái Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà với chiều dài khoảng 300m, chiều rộng xâm thực từ 10 - 15 m ảnh hưởng đến 15 hộ dân và bãi tấm du lịch cộng đồng của địa phương, mất đất rừng phòng hộ.
- Sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuân (phía Bắc của tuyến kè đã thi công) với chiều dài khoảng 1000m chiều rộng từ 7 - 10 m làm ảnh hưởng trực tiếp 12 hộ dân, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến kè đã đầu tư, làm mất đất rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến khu dân cư của thôn An Dương;
- Sạt lở tại bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú lộc (phía Nam của tuyến kè đang thi công) với chiều dài khoảng 700 m chiều rộng từ 5 - 7 m ảnh hưởng trực tiếp đến đường Tỉnh lộ 21, ảnh hưởng trạm bơm nước mặn của xã Vinh Hải, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ mở cửa biển mới.
e) Các sự cố khác:
-Cháy rừng 42 vụ: làm thiệt hại 182 ha tập trung các huyện (Phú Lộc, A Lưới, Hương Thủy, thành phố Huế, Phong Điền, Quảng Điền)
-Cháy dân sự: 02 vụ (01 vụ cháy nhà máy giấy Hà Xuyên và Như Ý tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; 01 vụ cháy nhà dân làm 03 người chết).
-03 vụ đuối nước làm 03 người chết

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE