Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Ngày 29/3, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Cùng dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường -Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo một số bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai.

Hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai (PCTT) đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai; thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; những vấn đề tồn tại và bất cập cũng như đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Thiên tai diễn biến khó lường

Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT báo cáo về công tác phòng chống thiên tai và những giải pháp nâng cao hiệu quả, năng lực phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, những năm gần đây, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại đã gây thảm hoạ cho nhiều quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Cường báo cáo về công tác phòng chống thiên tai và những giải pháp nâng cao hiệu quả, năng lực phòng chống thiên tai.

Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông. Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

Trong 3 tháng đầu năm 2018 sự cố, 536 vụ thiên tai xảy ra ảnh hưởng đến 1.297 người và 207 phương tiện, khiến 94 người chết; 71 người mất tích; 87 người bị thương; chìm cháy, hỏng 197 phương tiện; cháy 257 nhà xưởng, 390,5ha rừng; sập 73 nhà; hư hỏng 1.217 nhà.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Hiện nay, theo thống kê, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng) với tổng chiều dài 218km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581km...

Tăng cường công tác dự báo, truyền thông

Mặc dù diễn biến bất thường khốc liệt của thiên tai, nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy được triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời chính xác nhất là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Trung ương về PCTT và hầu hết các địa phương đối với các đợt thiên tai nói chung, trong đó đặc biệt là việc vận hành xả lũ hồ Hòa Bình, Cửa Đạt, Tả Trạch, tràn Lạc Khoái, một số hệ thống đê ở Ninh Bình, Thanh Hóa vượt lũ lịch sử đã không để xảy ra vỡ đê, không phân lũ, giảm ngập lụt hạ du, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Trong năm 2018, các lực lượng PCTT sẽ tăng cường công tác dự báo, thông tin truyền thông, đặc biệt thông tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới giúp ngư dân biết chủ động phòng tránh bằng hệ thống các đài duyên hải, các trạm ven bờ, hệ thống Movima và đặc biệt là sự kêu gọi, kiểm đếm của lực lượng biên phòng tuyến biển; tăng thời lượng phát tin trên sóng truyền hình, sử dụng tin nhắn của các nhà mạng… để nâng cao hiệu quả.

Thủ tướng khẳng định, sau hội nghị này Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa, hình thành nghị quyết của chính phủ về công tác phòng tránh thiên tai.

Hình thành nghị quyết của chính phủ về công tác phòng tránh thiên tai

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế-xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước, tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã có, trong thời gian tới cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính.

Cụ thể, hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai giữa các Bộ, ngành và địa phương; huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân đối với từng loại hình thiên tai chính của các vùng miền, khu vực trong cả nước.

Thủ tướng cũng khẳng định, sau hội nghị này Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa, hình thành nghị quyết của chính phủ về công tác phòng tránh thiên tai. Góp ý của các Ban, Bộ ngành là rất quan trọng, nhất là góp ý về những mặt tồn tại, bất cập để rút kinh nghiệm.

“Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất, xen kẽ với đó là biến đổi khí hậu. Các cấp bộ, ngành cần nhận thức rõ vấn đề này để có phương án chủ động phòng tránh, phải nỗ lực chứ không thiệt hại sẽ rất lớn. Đặc biệt, phải nhận thức được thiên tai không đi theo quy luật nào, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân và không để một ai bị tụt lại phía sau như thông điệp của Liên Hợp Quốc. Để dân đói, dân rách, dân màn trời chiếu đất do công tác phòng chống nhận thức kém đó là trách nhiệm của chúng ta”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo về phòng/chống, tránh và thích ứng với tinh thần thuận thiên trong chỉ đạo, xử lý vấn đề một cách hợp lý. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, các nguyên nhân khách quan và chủ quan cần khắc phục, cũng như giải pháp cụ thể trong thời gian tới. 

Quan điểm chỉ đạo “Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”, cụ thể:

- Phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện phương thức, phương trâm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực Nhà nước, tổ chức, cá nhân cùng tham gia.

- Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lí rủi ro, phải quan tâm đầy đủ đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó chú trọng lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đầu tư phòng ngừa chứ không chỉ quan tâm đến ứng phó khắc phục, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

- Thực hiện các giải pháp quản lí tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành. Đặc biệt là ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kết hợp kép lợi ích doanh nghiệp.

- Nội dung phòng chống thiên tai đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành để giảm thiểu rủi ro sau thiên tai,... Như vậy, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với phòng chống thiên tai, yêu cầu cấp ủy chính quyền lưu ý vấn đề này, quy hoạch hợp thức, biến nguy thành cơ.

- Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai, đầu tư xây dựng công trình phòng chống thiên tai đa mục tiêu.

- Thực thi các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.

Phải có một tổ chức bộ máy và thể chế tốt hơn nữa, trên tinh thần bộ máy gọn mà tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người dân, hướng về dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


phongchongthientai.vn 

BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

 

 

 

 

LIÊN KẾT WEBSITE